Phat Su Online

Long An: Đạo tràng Ngọc Hưng trang nghiêm tổ chức Đại Lễ Phật đản PL.2569 – DL.2025

Nghe đọc bài:

PSO- Chiều ngày 13 tháng 4 năm Ất Tỵ (thứ Bảy, 10/5/2025), Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025 đã được trang nghiêm tổ chức tại Điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung Ngọc Hưng (số 10 đường Nguyễn An Ninh, thị trấn Vĩnh Hưng, Long An), với sự tham dự đông đảo của quý Phật tử và đồng bào gần xa.

Mở đầu chương trình, vào lúc 18g00, không khí đạo tràng trở nên nhộn nhịp và hân hoan với chương trình văn nghệ mừng Khánh Đản. Các chú Tiểu tại Đạo tràng Ngọc Hưng – Vĩnh Hưng đã góp mặt biểu diễn những tiết mục dâng hoa, hát mừng Đản sinh với giọng hát trong trẻo, hồn nhiên, thể hiện lòng tôn kính và niềm hoan hỷ đón mừng ngày đản sinh của Đức Thế Tôn.

Sau buổi văn nghệ là nghi lễ Phật đản dưới sự chứng minh của Ni sư Tuệ Liên – Trụ trì Đạo tràng Ngọc Hưng - Vĩnh Hưng, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cùng sự tham dự của quý Sư cô trú xứ và đông đảo Phật tử gần xa. 

"Ngày xưa vào giữa tháng Tư,

Chúng sanh mừng đức Đại Từ cung nghinh.

         Ngày nay kỷ niệm Đản Sanh,

Thiện nam, tín nữ lòng thành dâng hương.

Thông hòa thế giới mười phương,

Một lòng hướng thiện, một đường cần tu.

   Giải oan, quên hận, dứt thù,

Thương yêu, cứu trợ, hòa nhu, tươi cười…

Nhân ngày Khánh Đản lễ chung,

Cùng trong Phật tử, cùng đồng pháp môn.

         Hiệp vầy dưới bóng Từ Tôn,

Một lòng thành kính ghi ơn cao dày!"

Sau phần nghi thức tụng kinh là buổi thuyết giảng của Ni sư Tuệ Liên. Ni sư đã có những chia sẻ về ý nghĩa thiêng liêng của ngày Đức Phật đản sinh – một sự kiện trọng đại đánh dấu sự xuất hiện của bậc Đạo Sư giác ngộ giữa thế gian, mang lại ánh sáng từ bi và trí tuệ cho nhân loại. Đặc biệt, Ni sư xúc động nhắc đến việc Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025, từ ngày 6 đến 8 tháng 5, với sự tham gia của hơn 2.700 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai sự kiện này, khẳng định vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế. Chủ đề của Đại lễ là "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững". Cũng trong dịp này, xá lợi Phật được cung thỉnh từ Ấn Độ về Việt Nam, như một biểu tượng linh thiêng kết nối giữa quê hương Đức Phật và Việt Nam, nơi đạo Phật đã bén rễ sâu dày và đồng hành cùng dân tộc suốt hàng ngàn năm lịch sử. Bên cạnh đó, Ni sư cũng nhắc đến trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, hiện đang được thỉnh về tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự, như một minh chứng sống động cho tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của hàng xuất gia Việt Nam – những bậc chân tu dấn thân vì đạo pháp và dân tộc.

Ni sư Tuệ Liên giảng thêm về ý nghĩa tắm Phật. Theo truyền thuyết Phật giáo, khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh, lúc ấy từ trên hư không có hai vị Long vương phun nước nóng và lạnh tắm cho Ngài. Ni sư chia sẻ rằng hai dòng nước này tượng trưng cho những thuận duyên và nghịch duyên trong cuộc đời mỗi người, thể hiện sự đối lập giữa vui buồn, sướng khổ mà tất cả chúng sinh đều phải trải qua. Chúng phản ánh quy luật tương đối của thế gian, nơi mà niềm vui không tách rời nỗi buồn, hạnh phúc luôn song hành cùng khổ đau. Nhờ có nghịch duyên, ta mới thấu hiểu giá trị của thuận duyên; nhờ trải qua khổ đau, ta mới biết trân quý hạnh phúc. Đối với người học Phật, hai dòng nước ấy không chỉ là biểu hiện của đời sống trần thế mà còn là cơ hội để hành giả thực tập chánh niệm, quán chiếu vô thường, từ đó phát khởi trí tuệ và lòng từ, vượt thoát khỏi sự chi phối của hoàn cảnh, an trú giữa cuộc đời đầy biến dịch mà vẫn giữ được tâm bình thản, kiên định trên con đường tu tập. 

Những lời giảng nhẹ nhàng của Ni sư đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng đại chúng tham dự, giúp mỗi người tham dự hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày Phật đản Vesak được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức năm nay và ý nghĩa lễ tắm Phật.

Sau phần thuyết giảng là nghi thức tắm Phật.

“Nay con tắm gội Đức Như Lai,

Tịnh trí trang nghiêm công đức dày

Tịnh khiết chúng sanh lìa cấu trược

Pháp thân đồng chứng dứt trần ai”.

 

Sau lễ chính, vào lúc 20g00, đạo tràng khai mạc gian hàng những món ăn vặt không đồng, mang đậm nét đẹp sẻ chia và yêu thương. Mỗi người đến dự lễ sẽ được nhận 1 phiếu ăn trị giá 50.000 đồng, có thể sử dụng để thưởng thức các món như: bánh tráng trộn, xoài lắc, cóc lắc, bánh kẹo, xôi, chè, nước uống, trái cây…

Buổi lễ Phật đản tại Đạo tràng Ngọc Hưng – Vĩnh Hưng đã khép lại trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ và ấm áp, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng đại chúng tham dự.

*Một số hình ảnh được ghi nhận:

  

Ban Truyền thông NGKS

[Video] Tây Ninh: Lễ truy niệm và phụng tống kim quan cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa

Sáng ngày 07/05/2025 (nhằm ngày 10/04 năm Ất Tỵ), tại Núi Bà Tây Ninh, nơi diễn ra tang lễ của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa – Thành viên chứng minh Phân ban Ni giới TƯ, Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban điều hành hệ thống các chùa Núi Bà Tây Ninh đã trang nghiêm cử hành lễ truy niệm tưởng nhớ công đức của ngài.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online