PSO- Chiều ngày 11 tháng 4 năm 2025 (nhằm ngày 13 tháng 3 năm Ất Tỵ), tại Tịnh xá Ngọc Long, hành giả đã trang nghiêm cung đón Ni trưởng Xuân Liên - Ủy viên Ban Kiểm soát Trung ương, Ủy viên thường trực Ban Trị sự GHPGVN, Phó Phân Ban Ni giới tỉnh Đồng Nai, Giáo phẩm Thường trực NGHPKS, Trưởng Ban Quản trị Tịnh xá Ngọc Uyển, Biên Hòa, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Tuệ, Long Thành, Đồng Nai quang lâm thuyết giảng trong Khóa tu Giới – Định – Tuệ lần thứ 41.
Ni trưởng đã giảng Chơn lý thứ 6 “Có và Không” là một trong số 69 Chơn lý mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai thị. Thông qua việc phân tích sâu sắc về mối tương quan giữa "Có" và "Không", Đức Tổ sư đã khéo léo dẫn dắt người học Phật nhận diện bản chất vô thường, duyên sinh của vạn pháp, từ đó buông bỏ mọi chấp trước, hướng đến con đường trung đạo và giải thoát. Có và không là hai mặt của sự vật từ lúc sinh ra cho đến khi chấm dứt, cũng tức là mọi hiện hữu vừa là nó vừa không phải là nó.
Mở đầu thời pháp, Ni trưởng trích lời Chơn lý: “Trong võ trụ nầy Chơn lý nói có 3 thứ: - Vạn vật là tứ đại, Chúng sanh là thức, các pháp của chúng sanh đối với vạn vật”. Từ nền tảng ấy, Ni trưởng khai triển sâu sắc ý nghĩa của tứ đại trong vạn pháp, nhấn mạnh rằng: Tứ đại hễ gặp duyên liền sinh, hết duyên liền diệt, cho nên tứ đại giai không chính là chơn lý vạn hữu của võ trụ đều là vô thực thể, những thực thể có hình trạng đều là giả hợp mà thành, khi tứ đại ly tán thì thực thể hoại diệt. Ví như cây muốn nở hoa tươi tốt thì cần đất đai phì nhiêu, đất đai chính là “Địa Đại”, nước tưới đầy đủ là “Thủy Đại”, ánh sáng ấm áp là “Hỏa Đại”, khí gió điều hòa là “Phong Đại”, thiếu đi một trong Tứ Đại thì hoa không nở rộ tốt tươi. Sắc thân của chúng sinh hữu tình cũng vậy, đều do Tứ Đại giả hợp mà thành. Thân người đâu có gì bền chắc, chỉ do bốn đại hòa hợp mà có, khi bốn đại tan rã thì thân người chỉ là một cái thây ma mà thôi. Trong bốn đại này, chỉ cần thiếu một đại thì thân người cũng không còn. Tu tập là để hiểu được thân nầy không phải là ta, chỉ do bốn đại hòa hợp mà có, khi bốn đại tan rã thì thân người chỉ là một cái thây ma mà thôi.
Ni trưởng nhấn mạnh rằng: Hiểu rõ và thâm nhập lý vô ngã này nên thân tâm không còn bị các pháp làm chướng ngại. Nhờ đó thân tâm mới thanh thản, an lạc và vô sự. Phạm trù CÓ – KHÔNG của Phật giáo có lẽ khó mà dùng suy nghĩ và hiểu biết thông thường để giải thích được. Khi người ta vào một ngôi đình thường thấy một ông THIỆN và gần đó là một ông ÁC. Nếu không có thiện sao ta biết đó là ác. Bởi vậy, không có cái CÓ làm sao biết cái KHÔNG, không có cái KHÔNG làm sao biết cái CÓ. Thế cho nên, khi Phật giáo nói KHÔNG hẳn nhiên đang nghĩ đến cái CÓ. Ni trưởng Xuân đã trích lời dạy của Đức Tổ sư : “Có giữ giới vạn vật mới tốt đẹp, có thiền định chúng sanh mới sống đời. Có trí huệ các pháp mới trọn lành trong sạch. Giới, Định, Huệ là một thân hình tốt đẹp của cái Có, xứng đáng có yên vui. Chúng ta cần phải giữ cái Có của Giới, Định, Huệ ấy, bởi nó là Chơn lý của vũ trụ, nó là ý muốn của cái Không, vì cái Không là bà mẹ của chúng ta.”Và khai triển lời Tổ, Ni trưởng giảng: Giữ giới thì vạn vật tốt đẹp vì người giữ giới thanh tịnh sẽ đầy đủ phước báu. Tất cả phước báu từ cõi người, cõi trời, cho đến thành tựu quả vị Phật đều được xây dựng trên nền móng vững chắc của giới luật. Giới không những là hàng rào phòng hộ thân khẩu ý, mà còn là nền tảng đạo đức giúp con người sống hài hòa với vạn vật. Thiền chính là làm cho tâm được lặng. Khi tâm đã lặng thì trí mới có thể sáng. Tâm sáng, trí sáng, con người mới có thể làm chủ bản thân. Làm chủ được chính mình thì mới có thể làm chủ hoàn cảnh, đưa cuộc đời đến chỗ chân – thiện – mỹ. Thiền định là ánh đèn soi đường giữa mê lộ, là nguồn năng lượng chuyển hóa khổ đau thành an lạc. Trí huệ là phần sâu xa bên trong của con người, được tích lũy qua học hỏi, trải nghiệm và giác ngộ. Chỉ có trí huệ chân thật mới giúp hành giả thấu rõ các pháp là duyên sinh, vô thường, vô ngã, từ đó tâm không còn vướng mắc, các pháp mới trọn lành trong sạch.
Ni trưởng kết luận: Nhờ có Giới chế ngự nên xa lìa các nguyên nhân gây nên tham ái; nhờ có Định và Tuệ cắt đứt tận cùng gốc rễ vô minh và tham ái nên đoạn tận khổ đau, dứt trần lao sanh tử. Thời pháp kết thúc trong sự hoan hỷ và cảm nhận sâu sắc của đại chúng. Qua đó, chư hành hiểu rõ hơn chơn lý Có và Không, và tinh tấn hơn nữa trong Giới – Định – Tuệ, để từng bước tiến đến an lạc và giải thoát.
*Một số hình ảnh được ghi nhận:
Ban Truyền thông NGKS